Không ngoa khi nói branding là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp trở nên nổi bật  giữa thị trường cạnh tranh ngày nay. Cũng chính bởi lẽ ấy mà việc đầu tư vào branding dường như được coi là bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, có rất nhiều loại hình branding khác nhau tùy theo mục đích khác nhau của doanh nghiệp – điều mà có thể khiến bạn bối rối khi mới bước chân vào thế giới tiếp thị và truyền thông doanh nghiệp. Nhưng cũng đừng lo nhé, vì đã có Cam ở đây để cùng bạn giải ngố và khám phá 5 loại hình branding phổ biến hiện nay rồi nha!

MỘT GÓC NHÌN VỀ BRANDING 

Để hiểu về được về branding, trước tiên ta hãy đi qua một chút về brand (thương hiệu). Theo Marty Neumeier – giám đốc thương hiệu của Liquid Agency: “Thương hiệu là cảm nhận của một người về sản phẩm, dịch vụ hoặc tổ chức. Thương hiệu không phải là những gì bạn nói về nó. Đó là những gì người khác nói về nó.” Có thể hiểu rằng, thương hiệu không đơn giản chỉ nằm ở một cái tên, một câu khẩu hiệu, một biểu tượng mà nó là cách thức một tổ chức hoặc cá nhân tạo nên và được cảm nhận hữu hình/ vô hình bởi những người đã trải nghiệm nó.

Từ một góc nhìn về brand của một chuyên gia, ta có thể hiểu rằng branding chính là các hoạt động làm cho sản phẩm, dịch vụ của một cá nhân, tổ chức doanh nghiệp trở nên gợi cảm, gợi hình trong tâm trí khách hàng.

Như vậy, để đạt được mục đích của mình, mỗi cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp cần đặt ra câu hỏi “Liệu loại hình branding nào sẽ phù hợp để tập trung và phát triển?”. Trong bài viết này , bạn hãy cùng Cam tìm hiểu 5 loại branding thường thấy hiện nay nhé!

5 LOẠI HÌNH THƯƠNG HIỆU PHỔ BIẾN NHẤT HIỆN NAY

Corporate branding (Loại hình thương hiệu doanh nghiệp)

Corporate branding tạm gọi là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, đây là hành động truyền thông, quảng bá hình ảnh, giá trị… của doanh nghiệp đến khách hàng và các bên thứ ba có liên quan (stakeholder). Theo cách hiểu đó, phạm vi của thương hiệu doanh nghiệp, vì thế, rộng hơn thương hiệu sản phẩm hay dịch vụ  của chính nó.

Corporate branding tốt có thể đem lại nhiều lợi ích tích cực mà có thể bạn không ngờ đến cho dù là thương hiệu nào đi chăng nữa. Đầu tiên, một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh thì các sản phẩm dưới tên doanh nghiệp sẽ được đón nhận và tin dùng hơn. Thương hiệu doanh nghiệp mạnh không chỉ khiến cho doanh nghiệp có quyền lợi cao hơn đối với các đối tác khác, thu hút nhiều sự đầu tư, hợp tác mà còn khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm khác của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, khi xảy ra khủng hoảng thì một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh cũng có khả năng sống sót cao hơn. Ví dụ như sự kiện ngày 20/08/2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) quyết định thu hồi lô mì tôm Hảo Hảo tại Ireland của Acecook do chứa thuốc bảo vệ thực vật Ethylene Oxide không được phép sử dụng tại Châu Âu đã dấy lên những tranh cãi và hoang mang lo sợ đối với người tiêu dùng. Nhưng sau khi thu hồi lại lô hàng đó và các hoạt động truyền thông khác, lại thêm có thương hiệu doanh nghiệp uy tín…, Hảo Hảo của Acecook nhanh chóng được tin dùng trở lại bởi người tiêu dùng.

Product branding (Loại hình thương hiệu sản phẩm) 

Product branding là một chuỗi hoạt động kết hợp giữa thiết kế, truyền thông, trải nghiệm,… giúp sản phẩm trở nên đặc biệt, nổi bật với các sản phẩm khác cùng ngành hàng trong tâm trí người tiêu dùng.

Nếu thành công trong việc product branding (xây dựng thương hiệu sản phẩm) thì đây sẽ là một khoản đầu tư sinh lời lớn hơn bạn nghĩ đấy. Vì nó không chỉ giúp sản phẩm của bạn dễ nhận biết hơn so với đối thủ; trở nên đặc biệt trong tâm trí khách hàng mà còn tăng tính nhận diện cho thương hiệu đứng đằng sau sản phẩm nói chung.

Thật không ngoa khi nói sữa đậu nành Fami của Vinasoy là một ví dụ tiêu biểu cho product branding hiệu quả. Bạn có lẽ đã từng nghe thấy “sữa Fami” thay thế cho “sữa đậu nành”, đó chính là đỉnh cao về thành công thương hiệu sản phẩm. Cũng một phần nhờ sự thành công của cái tên Fami mà Vinasoy đã trở thành ông lớn trong ngành sữa đậu nành với thị phần không bao giờ dưới 80% tại thị trường trong nước, và là  một trong những thương hiệu Việt chinh phục thành công những thị trường khắt khe nhất (Nhật Bản, Trung Quốc).

Service branding (Loại hình thương hiệu dịch vụ)

Trong bất kỳ ngành nghề nào, việc đảm bảo dịch vụ tốt vẫn luôn là một vấn đề được đặt lên hàng đầu. Dịch vụ là tất cả về mối quan hệ giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ. Nó được xác định bởi trải nghiệm mà khách hàng nhận được như gọi điện đến hotline, gặp mặt với bên cung cấp dịch vụ…

Khác với sản phẩm là hữu hình, còn dịch vụ thì vô hình. Vì thế, service branding (thương hiệu dịch vụ) đặc biệt tập trung vào giá trị cảm nhận, cảm xúc của khách hàng từ đó làm khách hàng cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn và thấy họ thực sự được trân trọng. Đây là lợi thế cạnh tranh, điểm đặc biệt mà loại hình thương hiệu này cung cấp.

Thông thường, service branding thường được triển khai tinh tế ở dạng “tiện ích đi kèm”. Ví dụ như khi các doanh nghiệp tặng quà hoặc giảm giá cho khách hàng vào các dịp đặc biệt hay như khi doanh nghiệp nhắn tin, gửi email cảm ơn vào những ngày lễ.

Personal branding (Loại hình thương hiệu cá nhân)

Personal branding hay còn gọi là xây dựng thương hiệu cá nhân. Loại hình thương hiệu này đề cập đến việc xây dựng, quảng bá hình ảnh bản thân bằng việc kết hợp cá tính, phong cách sống, kiến thức, kinh nghiệm…của bạn. Điều này đặc biệt quan trọng với những người có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng, chính trị gia, hoặc lãnh đạo trong một tổ chức. Sự ủng hộ yêu mến từ cộng đồng thông qua hoạt động personal branding có thể giúp các cá nhân duy trì, tăng sự ảnh hưởng hoặc là sự hỗ trợ hiệu quả đến việc kinh doanh, sự nghiệp của họ.

No-brand branding (Loại hình thương hiệu “không có thương hiệu”)

Chắc hẳn nghe tên bạn cũng hình dung ra được một chút về loại hình branding này. Đây là loại hình branding chủ yếu tập trung vào sản phẩm với thiết kế tối giản.

Ta có thể kể đến thương hiệu bánh kẹo No Brand của Hàn hay thương hiệu Muji của Nhật là ví dụ điển hình cho loại hình branding này.

Lấy Muji là ví dụ để minh họa cụ thể hơn cho loại hình branding này, ta thấy được bản thân Muji không dành nhiều ngân sách cho việc quảng cáo, truyền thông mà thay vào đó là tập trung vào thiết kế tối giản, chức năng của sản phẩm, cung cấp sản phẩm tốt với một giá cả hợp lý. Các trang mạng xã hội của Muji cũng thể hiện được tinh thần tối giản ấy của hãng. Đồng thời, Muji cũng tập trung vào trải nghiệm khách hàng hơn khi từ website đến cửa hàng của thương hiệu đều các sắp xếp gọn gàng, thông minh, tinh tế. Với các hoạt động “Branding mà không branding” như vậy, Muji trong tâm trí khách hàng gắn liền với lối sống tối giản, tinh tế, thông minh.

TÓM LẠI LÀ?

Branding rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi thị trường ngày một cạnh tranh và độ trung thành của  khách hàng ngày càng giảm.

5 loại hình branding Cam nếu trên là những phương pháp branding phổ biến nhất toàn cầu. Hãy hiểu đúng từng loại hình để áp dụng kế hoạch branding phù hợp với mục đích của bạn. Không nhất thiết phải chọn duy nhất một loại hình branding, bạn có thể kết hợp sử dụng nhiều loại hình branding cùng một lúc nhưng miễn sao đảm bảo được nguồn lực, tài nguyên của doanh nghiệp bạn.

Người viết: Bùi Khánh Linh

Nguồn tham khảo: Brands Vietnam, 99designs, Just Creative, Scirp.org

Sẵn sàng để phát triển doanh nghiệp của bạn?

Để được tư vấn chi tiết hơn về dịch vụ, quý khách vui lòng cung cấp thông tin cho chúng tôi theo mẫu sau.

Bài viết liên quan

Tổng hợp mẫu thông báo nghỉ lễ 30/4-1/5 2024 bằng tiếng việt và tiếng anh chuẩn có dạng như thế nào?

Tổng hợp mẫu thông báo nghỉ lễ 30/4-1/5 2024 bằng tiếng việt và tiếng anh...

KBW THÔNG BÁO KẾ HOẠCH NGHỈ LỄ 30/4 – 1/5

Kính gửi Quý khách hàng, Quý đối tác, Nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5...

Dịch vụ thiết kế in brochure quảng cáo

Dịch vụ in brochure quảng cáo là một trong những dịch vụ in ấn phổ...

Stt lễ 30/4, cap về đi chơi lễ 30/4 và 1/5 hay nhất

Status nôi dung đăng bài hay lễ 30/4 1/5, cap về đi chơi lễ 30/4...

Vì sao phải có Website thương hiệu riêng?

Với sự phát triển TMĐT, người dùng có hành vi mua sắm Online tăng. Trong...